Đừng Để Tiếng Anh Là Rào Cản Thành Công Của Bạn

0 nhận xét
Tháng Mười Hai - Lời Nhắn Nhủ Cuối Năm Đừng Để Tiếng Anh Là Rào Cản Thành Công Của Bạn Hiện nay, một trong những yêu cầu cần phải có và gần như bắt buộc đối với sinh viên mới ra trường, người lao động là phải có trình độ tiếng Anh. Thế nhưng, không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu này. Chỉ 8,77% ứng viên sử dụng được tiếng Anh Theo một kết quả khảo sát về hiện trạng việc làm của lao động trẻ do báo Người Lao Động thực hiện: Trong tổng số 1.017 ứng viên được khảo sát, có 92,22% có bằng cấp chuyên môn từ trung cấp trở lên; trong đó có 57,12% có bằng cấp CĐ-ĐH thì chỉ có 8,77% ứng viên cho biết là giao tiếp và sử dụng được ngoại ngữ cho công việc, ít nhất có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C, hoặc IELTS, TOEFL... Trong khi đó, có đến’ 43,27% ứng viên chỉ dừng lại ở chứng chỉ B ngoại ngữ hoặc tương đương trình độ B (xếp theo thời lượng học ngoại ngữ trong quá trình học chuyên môn); thậm chí chỉ ghi chung chung: Anh văn giao tiếp. 47,95% còn lại chỉ mới học qua sơ cấp, không thể giao tiếp được bằng ngoại ngữ. Từ số liệu trên có thể thấy được thực trạng việc học và dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học, trung học phổ thông và đại học tại Việt Nam. Việc áp dụng các giáo trình dạy tiếng Anh tại các trường mang lại hiệu quả không cao. Sau 12 năm học tiếng Anh ở bậc tiểu học, bậc phổ thông, thậm chí, hết 3, 4 năm đại học, không ít học sinh, sinh viên không thể nghe, nói, đọc, viết thành thạo và nhuần nhuyễn. Sở dĩ như vậy là bởi, do áp lực thi cử nên giáo viên và học sinh thường có tư tưởng: Dạy và học chỉ để vượt qua kỳ thi. Môn học không được chú trọng như một kỹ năng cần phải có trong cuộc sống, trong công việc mà giống như một môn truyền dạy và tiếp thu kiến thức thông thường. Theo đó, sẽ chỉ được tập trung vào đọc hiểu, viết câu, ngữ pháp chứ không tập trung vào kỹ năng nghe, nói thành thạo. 12 năm học có khi chỉ đọc, hiểu văn bản chứ không thể viết hoàn chỉnh đoạn văn, một câu chuyện và tất nhiên, không thể giao tiếp trôi chảy. Cũng không thể phủ nhận rằng việc thiếu phương tiện, kĩ thuật dạy học cũng là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng trình độ ngoại ngữ ở học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế. Ở nhiều trường học, nhất là ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu vùng xa trang thiết bị phục vụ việc dạy và học còn nghèo nàn, lạc hậu. Nhật Linh, biên tập viên một tạp chí về gia đình tại Hà Nội: “Tôi bắt đầu học tiếng Anh từ tiểu học (ở quê) nhưng chủ yếu được luyện từ vựng, cách viết câu chứ không luyện cách nói chuyện. Vào đại học, lên thành phố rồi vẫn thế. Tâm lý ngại ngùng, xấu hổ nên tôi gần như không giao tiếp. Mỗi ngày một chút, nó dường như mài mòn luôn kỹ năng nói của tôi. Tôi chỉ có thể đọc văn bản mà không nói chuyện được bằng tiếng Anh”. Không thiếu thốn cơ sở vật chất như ở các huyện, các tỉnh, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM gặp phải vấn đề khác, đó là, số lượng các trung tâm, trường dạy ngoại ngữ không ít nhưng chất lượng thì không phải chỗ nào cũng đảm bảo. Không phải nơi nào cũng có chương trình đào tạo bài bản tốt như quảng cáo. Nhiều nơi thì chất lượng giáo viên không đảm bảo, mang tiếng là “giáo viên bản ngữ” nhưng thực chất là những Tây ba lô thiếu nghiệp vụ giảng dạy. Thậm chí, có nơi dạy được một thời gian rồi “bỗng dưng biến mất”, mang theo học phí tính của học viên… Đừng tự đánh mất cơ hội phát triển Anh Tấn Lợi - kiến trúc sư của một công ty thiết kế nội thất tại TPHCM nói trong tiếc nuối: “Năm ngoái sếp đề cử nhân viên vào vị trí trưởng phòng. Tôi đáp ứng đầy đủ mọi điều kiện nhưng khả năng giao tiếp tiếng Anh “quá ẹ” nên tôi đã tự đánh mất cơ hội của mình”. Chị Thúy Quỳnh - phóng viên một tờ tạp chí thời trang tại TP.HCM buồn rầu nói: “Hai tháng trước, tôi không được tái ký hợp đồng với tạp chí do tạp chí yêu cầu vừa có khả năng viết bài, vừa có khả năng dịch thuật và giao tiếp (để phỏng vấn trực tiếp các nhân vật nước ngoài nổi bật), mà tôi thì lại chỉ có khả năng viết thôi. Tôi như chết sững!!!. Chắc chắn, tôi sẽ tìm được một công việc khác nhưng lý do mà tờ báo đưa ra khiến tôi nhìn lại chính bản thân mình”. Hai ví dụ trên là số ít trong số những trường hợp tự đánh mất cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến vì trình độ tiếng Anh còn nhiều hạn chế. Thực tế cho thấy, dễ nhận ra sự khác biệt về cơ hội phát triển nghề nghiệp giữa hai nhóm ứng viên biết và không biết sử dụng ngoại ngữ. Cùng trình độ chuyên môn nhưng người sử dụng tốt tiếng Anh bao giờ cũng thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm kiếm việc làm, thu nhập cao hơn người không sử dụng được ngoại ngữ. Trình độ ngoại ngữ hiện nay không chỉ là điều kiện bắt buộc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài, mà còn được chính các công ty Việt Nam yêu cầu gắt gao. Ông Nguyễn Tiến Sơn - giám đốc một doanh nghiệp thẩm định giá sản phẩm tại TPHCM cho biết: “Khi tuyển nhân viên, bao giờ chúng tôi cũng xem xét đến trình độ tiếng Anh. Ở đây tôi muốn nói đến trình độ thực sự, tức nhuần nhuyễn cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết chứ không chỉ là trình độ ghi trên bằng cấp. Ứng viên có trình độ tiếng Anh giỏi hơn, tất nhiên sẽ có cơ hội và lương bổng cao hơn ứng viên chỉ biết hoặc không biết chút gì về tiếng Anh. Tôi thấy phần lớn các bạn trẻ ở tỉnh có thể học rất giỏi, bằng cấp tốt, năng lực cao nhưng khả năng tiếng Anh lại rất hạn chế”. Chia sẻ của các nhân vật trong bài cũng như của chính nhà tuyển dụng, ắt hẳn sẽ là một kinh nghiệm cho các bạn trẻ trong quá trình học ngoại ngữ - công cụ không thể thiếu trong hành trang vào đời.

Đăng nhận xét