Ngữ pháp: Từ một góc nhìn khác

0 nhận xét



Có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao tôi lại phải học ngữ pháp? Có phải những nhà ngôn ngữ học đang muốn làm phức tạp hơn vấn đề? Tại sao chúng ta vẫn có thể giao tiếp tốt bằng tiếng mẹ đẻ mà chưa từng để ý tới ngữ pháp trước đó? (Thực tế nhiều người thú nhận rằng họ không hề biết khái niệm “giới từ” hay “bổ ngữ” là gì cho đến khi họ học ngoại ngữ). Nếu tôi không học ngữ pháp thì liệu tôi có nói được ngoại ngữ?…
 
Trong bài viết này tôi muốn đem đến cho bạn một cái nhìn thực dụng hơn về ngữ pháp, nên tiếp cận nó như thế nào và làm sao để biến nó thành một công cụ chứ không phải một chướng ngại trong quá trình bạn học tiếng Anh.
 
Tôi cho rằng ngữ pháp không phải là một thứ được sinh ra để đem lại rắc rối cho con người. Khi loài người phát triển ngôn ngữ của mình thành công cụ giao tiếp tinh tế và hiệu quả, có lẽ một mục tiêu quan trọng là họ luôn cố gắng tìm cách sao cho người ta có thể “nói ít hơn mà diễn đạt được nhiều hơn”.
 
Chúng ta đều biết rằng ngôn ngữ là sự quy ước giữa mọi người với nhau rằng một âm thanh (từ) hoặc sự kết hợp giữa vài âm thanh (ngữ) nào đó là dùng để diễn đạt một ý nghĩa nhất định. Khi muốn diễn đạt thêm những ý nghĩa khác, những từ ngữ mới được ra đời. Cho đến ngày nay, những từ ngữ mới như “blog”, “từ khóa”, “thư điện tử” tiếp tục được sinh ra để đáp ứng nhu cầu diễn đạt những khái niệm mới.
 
Tuy nhiên để các cuốn từ điển không bị quá dày, người ta luôn tìm cách để không phải sinh ra thêm từ mới mà vẫn diễn đạt được nhiều nghĩa hơn. Theo suy luận của tôi, đó là lý do họ tìm các phương thức như: thay đổi dạng (form) của từ, đảo vị trí các từ trong câu, thêm ký tự vào cuối một từ (chẳng hạn như tiếng Anh thêm “s” để diễn đạt số nhiều)… và những cách thức này trở thành ngữ pháp. Nếu quả đúng như vậy thì ngữ pháp là công cụ giúp chúng ta sử dụng ít từ ngữ hơn để diễn đạt được nhiều hơn…
               
Khi thay đổi cách nhìn về ngữ pháp theo hướng này, bạn sẽ thấy rằng ngữ pháp giúp chúng ta diễn đạt ngôn ngữ một cách chính xác hơn, sâu sắc và tinh tế hơn. Chẳng hạn trong tiếng Anh, ngữ pháp giúp bạn diễn đạt cảm xúc của mình.
 
Hãy theo dõi ví dụ sau:
 
Hai người bạn già gặp lại nhau sau một thời gian xa cách khá lâu. Một người nói với một cảm xúc bồi hồi: haizz.. vậy là đã 20 năm rồi đấy!
 
Chắc hẳn bạn cũng đoán được cảm xúc của người đàn ông này (đã 20 năm trôi qua, thời gian sao nhanh quá!). Vậy bạn sẽ nói thế nào trong tiếng Anh? Bạn sẽ dùng thì hiện tại chăng (it is 20 years!)? hay bạn dùng quá khứ (it was 20 years!)? Tôi thấy người Anh/ Mỹ thường nói: haizz.. it has been 20 years!
 
Trong tiếng Anh, ngữ pháp cũng giúp bạn diễn đạt chính xác hơn không gian và thời gian. Chẳng hạn: “Cô ấy vẫn hút thuốc nhiều quá, cô ấy nên bỏ thuốc” .Nếu bạn muốn diễn đạt rằng cô ta đã, đang và có vẻ vẫn tiếp tục hút thuốc, bạn có thể nói “She has been smoking too much
 
Ngữ pháp giúp bạn diễn đạt tốt hơn khi bạn nói và ở phía ngược lại, giúp bạn hiểu rõ ý tứ của người đối diện.
 
Tôi không có ý định đi sâu vào việc hướng dẫn bạn các cấu trúc ngữ pháp, đã có rất nhiều cuốn sách thực hiện nhiệm vụ này một cách tuyệt vời. Tôi chỉ muốn chia sẻ với bạn một cách tiếp cận mới về câu chuyện ngữ pháp, rằng ngữ pháp là một người bạn tốt chứ không phải anh chàng luôn tìm cách đánh đố bạn


Đăng nhận xét